Là người tin Chúa, chúng ta đặt đức tin trên Lời của Chúa trong Thánh Kinh. Thánh Kinh là một kho sách vĩ đại, cả đời người cũng không đủ để nghiên cứu tường tận. Vì thế, các giáo phụ, tức là những người thụ giáo trực tiếp với các vị sứ đồ, đã dựa vào Kinh Thánh, rút ra những giáo lý căn bản và tóm tắt lại thành một bản văn gọi là Bài Tín Điều Các Sứ Đồ.
Bài Tín Điều Các Sứ Đồ
Tôi tin Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha, là Đấng dựng nên trời đất. Tôi tin Giê-xu Christ là Con Độc Sinh của Đức Chúa Trời và Chúa chúng ta. Ngài được thai dựng bởi Thánh Linh, sinh bởi nữ đồng trinh Ma-ri, chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát, bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn. Ngài xuống âm phủ, đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại. Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha. Từ đó Ngài sẽ trở lại để đoán xét kẻ sống và kẻ chết.Tôi tin Thánh Linh. Tôi tin hội thánh phổ thông, sự cảm thông của thánh đồ, sự tha tội, sự sống lại của thân thể và sự sống đời đời.
Ý Nghĩa Tổng Quát
Tín điều là bản tóm tắt niềm tin của một tổ chức hay một nhóm người. Sứ đồ là môn đệ của Chúa Giê-xu, những người được thụ giáo trực tiếp với Ngài và được sai đi truyền bá Phúc Âm. Tín Điều Các Sứ Đồ là bản tóm tắt những điểm căn bản về đức tin, dựa vào lời dạy của những người được thụ giáo trực tiếp với Chúa Giê-xu.
Chữ “Tôi” trong Bài Tín Điều cho thấy đức tin là vấn đề riêng của mỗi người. Niềm tin nơi Chúa là liên hệ của MỖI NGƯỜI đối với Chúa, không ai có thể tin thế cho ai và cũng không ai có thể dựa vào đức tin của người khác để được cứu. Khi nói, “Tôi tin,” chúng ta hàm ý là chính cá nhân tôi chứ không phải là một người nào khác. Tôi tin Chúa vì tôi biết rõ Ngài và tôi cần Ngài, chứ không phải vì hoàn cảnh bắt buộc hay vì muốn chiều ý một người nào. Đức tin nơi Chúa phải là quyết định riêng của mỗi người, không chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, tình cảm nhất thời hay người chung quanh.
Ý Nghĩa Chi Tiết
- Tôi tin Đức Chúa Trời – Đức Chúa Trời là Đấng cao cả nhất trong vũ trụ. Ngài hiện hữu trước khi có vũ trụ và Ngài hiện hữu mãi mãi. Khi nói, “Tôi tin Đức Chúa Trời,” là chúng ta muốn nói rằng: dù không nhìn thấy Đức Chúa Trời, tôi tin Ngài hiện hữu.
- Toàn Năng – nghĩa là làm được tất cả mọi sự. Một thành ngữ thường được dùng để mô tả đặc tính này của Chúa là “vô sở bất năng,” nghĩa là không có việc gì Chúa không làm được. Từ ngữ “toàn năng” cũng có nghĩa Chúa cầm quyền trên sự sống và sự chết. Ngài quyết định sự hiện hữu và tồn vong của muôn vật vì Ngài có quyền ban sự sống hoặc lấy sự sống ấy lại. Khi nói, “Tôi tin Đức Chúa Trời Toàn Năng,” chúng ta công nhận có một Đấng cao cả tuyệt đối, có toàn quyền trên chúng ta và chúng ta sẵn sàng phó thác cuộc sống cho Ngài.
- Là Cha – Đức Chúa Trời chẳng những là Đấng Toàn năng, toàn quyền, nhưng Ngài cũng là người Cha thân yêu. Đức Chúa Trời là cha của chúng ta vì: Ngài đã tạo dựng nên chúng ta (Công vụ 17:28). Tin Chúa Giê-xu, chúng ta được trở thành con của Ngài (Giăng 1:12).Khi tuyên bố, “Tôi tin Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha,” chúng ta muốn nói rằng: Tôi tin Đức Chúa Trời là Đấng cao cả tuyệt đối trong vũ trụ. Ngài có toàn quyền trên đời sống tôi và Ngài là Người Cha thân yêu của tôi. Tôi tin Ngài đang chăm sóc và hướng dẫn tôi với quyền tuyệt đối cũng như với tình thương của một người cha.
- Là Đấng dựng nên trời đất – Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất (Sáng thế ký 1&2). Khi gọi Chúa là “Đấng dựng nên trời đất,” chúng ta công nhận Ngài là Đấng Tạo Hóa, đã tạo dựng vũ trụ và vạn vật, trong đó có cả chúng ta. “Tôi tin Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất” nghĩa là tin Chúa là Đấng đã ban cho tôi sự sống, bao gồm cả thể xác và tâm linh. Con người tôi cũng như tất cả những gì tôi có, đều là của Chúa và do Ngài ban cho. Đức Chúa Trời tạo dựng vũ trụ nên Ngài không phụ thuộc vũ trụ, Ngài vượt lên trên không gian và thời gian, Ngài điều khiển cả vũ trụ. Gọi Chúa là Đấng tạo dựng trời đất, là chúng ta công nhận quyền cai trị của Ngài trên vạn vật và trên chính mình. Do đó, chúng ta chấp nhận ý Ngài trong mọi hoàn cảnh.
- Tôi tin Giê-xu Christ – Chúa Giê-xu là ngôi thứ hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. “Giê-xu” là tên của Chúa, phiên âm từ chữ Iesous trong tiếng Hy-lạp. Chữ này trong tiếng Do-thái là Yehowshuwa, bản Kinh Thánh tiếng Việt phiên âm là Giô-suê hay Giê-hô-sua. Tất cả những chữ này đều có nghĩa là “sự cứu rỗi của Chúa Hằng Hữu.” Tên Chúa Giê-xu cho thấy Chúa là “Đấng Cứu Rỗi” (Ma-thi-ơ 1:21).Từ ngữ “Christ” phiên âm từ chữ christos trong tiếng Hy-lạp. Chữ này dịch từ chữ mashiyach trong tiếng Do-thái, nghĩa là “người được xức dầu” (xức dầu là một nghi lễ truyền chức cho người sắp đảm nhiệm một trọng trách và xác nhận sự bổ nhiệm thiêng liêng của Thiên Chúa). Đối với người Do-thái, danh từ “Christ” chỉ về Chúa Cứu Thế hay Vị Cứu Tinh từ trời.Khi nói, “Tôi tin Giê-xu Christ,” chúng ta xác nhận hai điều: (1) Chúa Giê-xu là Đấng cứu rỗi nhân loại. (2) Ngài là Đấng từ trời đến.
- Là Con Độc Sinh của Đức Chúa Trời – “Con Độc Sinh của Đức Chúa Trời” nghĩa là người Con duy nhất của Đức Chúa Trời, không có một nhân vật nào khác giống như Ngài. Trong ngôn ngữ Do-thái, thành ngữ “Con của Đức Chúa Trời” có nghĩa là từ Đức Chúa Trời đến và chính là Đức Chúa Trời; hay nói dễ hiểu hơn, Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời trong thân xác con người.Khi nói, “Tôi tin Giê-xu là Con Độc Sinh của Đức Chúa Trời,” chúng ta xác nhận Chúa Giê-xu là Đấng từ trời đến, Ngài phán dạy và thi hành mọi việc với quyền của Đức Chúa Trời và theo ý Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể hiểu câu tuyên xưng trên như sau: Tôi Đức Chúa Trời đã đến với loài người qua Chúa Giê-xu, để phán dạy và bày tỏ tình yêu của Ngài đối với loài người, ngoài Ngài không có người nào khác.
- Và Chúa chúng ta – “Chúa” nghĩa là Đấng làm Chủ. Khi gọi Chúa Giê-xu là Chúa, chúng ta công nhận Ngài có chủ quyền tuyệt đối trên đời sống chúng ta. Nói khác đi, Chúa có quyền quản trị và hướng dẫn mọi sinh hoạt trong cuộc sống chúng ta. Ngài là Chủ, chúng ta chỉ là tôi tớ phục vụ Ngài.
- Ngài được thai dựng bởi Thánh Linh, sinh bởi nữ đồng trinh Ma-ri – Sau khi mô tả Chúa Giê-xu là Người Con Duy Nhất của Đức Chúa Trời, bài Tín Điều Các Sứ Đồ cho biết Ngài cũng thật là một người. Tuy nhiên Ngài không phải là con người được tạo dựng do sự kết hợp giữa nam và nữ như chúng ta, nhưng Ngài đã “được thai dựng bởi Thánh Linh,” nghĩa là Ngài đã được đặt vào lòng trinh nữ Ma-ri qua phép lạ và quyền năng của Đức Thánh Linh (Lu-ca 1:35). Vì thế, tuy sinh ra như mọi người, nhưng Chúa Giê-xu không có bản tính tội lỗi và không phạm tội. Khi nói, “Tôi tin Giê-xu Christ… được hoài thai bởi Thánh Linh, sinh bởi nữ đồng trinh Ma-ri,” là chúng ta tin vào bản chất thánh khiết, vô tội của Chúa Giê-xu và tin phép lạ mầu nhiệm trong sự giáng sinh của Ngài. Phép lạ đó chứng tỏ Chúa Giê-xu thật là Đức Chúa Trời nhưng cũng thật là người, một con người hoàn toàn.
- Chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát – Đây là câu nói về vụ án xử Chúa Giê-xu cùng những khổ nạn Ngài phải chịu lúc ra trước tòa án của tổng đốc Phi-lát, vị quan La-mã cai trị Palestine trong thời ấy. Theo các sách Phúc Âm ghi lại, lúc bị giải đến công đường của Phi-lát, Chúa Giê-xu đã bị đánh bằng roi da, bị vả vào mặt, phải đội mão triều bằng gai và bị chế nhạo là một ông vua giả hiệu. Tuy Phi-lát không tìm thấy Chúa Giê-xu có tội lỗi gì, nhưng cuối cùng, vì áp lực của người Do-thái, ông đã tuyên án tử hình và giao Chúa cho người Do-thái đem ra pháp trường hành hình (Giăng 19:1-3, 16-18).Khi đọc lên câu này, chúng ta bày tỏ lòng tin rằng Chúa Giê-xu, Con của Đức Chúa Trời đã đến làm người và chịu khổ nhục để cứu người. Chúng ta tin Ngài là một nhân vật có thật trong lịch sử, Ngài sống trong thời Do-thái bị La-mã cai trị và Ngài đã bị một vị quan La-mã tên là Phi-lát tuyên án tử hình.
- Bị đóng đinh trên thập tự giá – Dưới thời đế quốc La-mã, những người phạm tội nặng thường bị xử tử bằng cách đóng đinh vào cây gỗ. Người ta dùng hai thanh gỗ lớn, ghép lại thành hình chữ thập rồi lấy đinh đóng tay và chân tử tội vào, sau đó dựng cây gỗ đứng lên để tội nhân bị treo giữa trời. Đây là một hình phạt rất dã man, vì tội nhân phải chịu đau đớn trong từng hơi thở, suốt nhiều tiếng đồng hồ, có khi một vài ngày sau mới chết. Chúa Giê-xu vô tội, nhưng vì tội của nhân loại, Ngài đã phải chịu cái chết đau đớn và nhục nhã của một người có tội (Giăng 19:17-24).Khi nói, “Tôi tin Giê-xu Christ… bị đóng đinh trên thập tự giá,” là chúng ta muốn nói rằng: Tôi tin Chúa Cứu Thế Giê-xu đã vì tội của tôi, chấp nhận cái chết đau đớn và nhục nhã nhất, để tôi được tha thứ và được sống.
- Chịu chết và chôn – Sau khi bị đóng đinh, Chúa Giê-xu đã chết. Ngài chết thật chứ không phải chỉ ngất đi một lúc rồi tỉnh lại như chủ trương của một số người. Thánh Kinh cho biết bọn lính đánh gãy ống chân hai tên tù bị đóng đinh cùng với Chúa Giê-xu, nhưng không đánh gãy chân Ngài vì khi đến gần, thấy Ngài đã chết rồi (Giăng 19:33). Hơn nữa, Chúa Giê-xu không những chết nhưng cũng được chôn trong mộ như bao người khác. Người Do-thái thời đó chôn người chết trong những hang đá lớn. Chúa Giê-xu cũng được chôn trong hang đá, nhưng Ngài là một hang đá mới, chưa có xác chết nào trong đó. Khi thi hài Chúa đã được đặt trong mộ, người ta đã dùng một tảng đá lớn chận cửa mộ lại (Mác 15:46) và đặt một toán lính canh gác để không ai lấy trộm xác Chúa (Ma-thi-ơ 27:66). Khi nói, “Tôi tin Giê-xu Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn,” chúng ta bày tỏ lòng tin rằng Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, đã thật sự chịu chết vì tội lỗi của mọi người, trong đó có tôi.
- Ngài xuống âm phủ – Âm phủ là danh từ chỉ nơi người chết ở. Chúa Giê-xu “xuống âm phủ” có nghĩa là Ngài đã thật sự chết và đã đi vào nơi dành cho người chết. Tuy nhiên, Thánh Kinh cho biết Chúa Giê-xu xuống âm phủ không phải để chịu hình phạt nhưng để loan báo cho mọi người biết Ngài đã chiến thắng tội lỗi (I Phi-e-rơ 3:18,19).Khi nói, ” Ngài xuống âm phủ,” chúng ta xác nhận một lần nữa rằng Chúa Cứu Thế đã thật sự chịu chết để chuộc tội cho loài người.
- Đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại – Thánh Kinh cho biết Chúa Giê-xu chết vào ngày thứ Sáu trong tuần (Mác 15:42), nhưng Ngài đã sống lại vào sáng Chúa Nhật sau đó (Ma-thi-ơ 28:1); đúng như Ngài đã nói trước rằng, Ngài sẽ chịu chết nhưng đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại (Lu-ca 24:1-8). Khi đọc lên câu này, chúng ta bày tỏ lòng tin vào sự kiện Chúa Giê-xu sống lại. Vì tội của loài người Chúa phải hy sinh tính mạng nhưng Ngài đã sống lại vinh quang, dù có tảng đá lớn ngăn cửa mộ và dù có toán lính canh gác cẩn mật.Chúa Giê-xu sống lại chứng tỏ: Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Lời Ngài dạy là chân lý. Sự hy sinh của Ngài được Đức Chúa Cha chấp nhận, nên ai tin Ngài sẽ được tha tội và được cứu. Ngài đã sống lại nên người nào tin Ngài cũng sẽ sống lại và được sự sống đời đời.
- Ngài thăng thiên – Sau khi sống lại, Chúa Giê-xu ở lại trần gian thêm bốn mươi ngày, để cho các môn đệ và mọi người thấy Ngài đã thật sự sống lại. Trong thời gian này, Chúa dạy các môn đệ nhiều điều quan trọng về tương lai và ban cho họ những lời dặn dò cuối cùng. Sau đó, Chúa đã ngự về trời trước sự chứng kiến của các môn đệ và một số người (Công vụ 1:3,9-11). Dựa vào lời Thánh Kinh, chúng ta tin về sự thăng thiên của Chúa như sau: Chúa Giê-xu đã ngự về trời rõ ràng, trước mắt mọi người. Một ngày kia Ngài cũng sẽ trở lại trần gian giống như vậy (Công vụ 1:9-11). Chúa Giê-xu về trời để Chúa Thánh Linh đến an ủi và hướng dẫn chúng ta đến với chân lý (Giăng 16:7-13).
- Ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha – Hiện nay Chúa Giê-xu đang ở trên trời, ngồi bên hữu Đức Chúa Cha. Thành ngữ “ngồi bên hữu” mô tả địa vị quan trọng của Ngài trên thiên đàng. Khi đọc lên câu này, chúng ta bày tỏ lòng tin rằng tuy ở trên trời nhưng Chúa rất gần chúng ta, vì Ngài đang: Cùng với Đức Chúa Cha cai quản vũ trụ (Ê-phê-sô 1:17-21). Quản trị và bảo vệ Hội Thánh (Ê-phê-sô 1:22,23). /Cầu nguyện cho chúng ta là những người đã tin Ngài (I Giăng 2:1; Rô-ma 8:34).Khi nói Chúa Giê-xu đang “ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha,” chúng ta thật tâm tin rằng Chúa đang cầm quyền trên vũ trụ và đang kiểm soát mọi việc xảy ra trên trần gian. Ngài nhìn thấy tất cả những điều xảy ra trong đời tôi và Ngài đang cầu nguyện cho tôi để tôi có thể thắng tội lỗi và giữ vững niềm tin.
- Từ đó, Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết – Câu này nói lên hai giáo lý quan trọng: (1) Chúa Giê-xu sẽ trở lại trần gian. (2) Chúa Giê-xu sẽ xét xử mọi người.”Từ đó” nghĩa là từ bên hữu Đức Chúa Trời hoặc từ lúc về trời. Sau khi về trời và ngự bên hữu Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu sẽ trở lại trần gian trong vinh quang và tất cả mọi người đều sẽ trông thấy (Công vụ 1:11; Khải Huyền 1:7). Chúa Giê-xu chắc chắn sẽ trở lại vì Ngài hứa : “Ta đi, chuẩn bị chỗ ở cho các con. Khi chuẩn bị xong , ta sẽ trở lại đón các con về với ta” (Giăng 14:2-3, Bản Diễn Ý). Chúa Giê-xu sẽ trở lại để đoán xét người sống và người chết. Trong ngày cuối cùng, tất cả người chết sẽ sống lại. Người không tin Chúa phải đến trước tòa án của Chúa để lãnh hình phạt, vì tên họ không được ghi trong quyển sách sự sống (Khải Huyền 20:11-15). Người tin Chúa sẽ đến gặp Chúa, tường trình những việc đã làm và nhận phần thưởng (Khải Huyền 22:12).Khi đọc câu này, chúng ta bày tỏ lòng tin vào sự công minh của Chúa. Khi tin Chúa, chúng ta được tha tội và được cứu khỏi hình phạt nơi địa ngục. Tuy nhiên, chúng ta cũng hết lòng sống cho Chúa để khi Chúa trở lại, chúng ta sẽ được Ngài ban thưởng.
- Tôi tin Thánh Linh – Thánh Linh là ngôi thứ ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Thứ bậc này chỉ là một cách nói chứ không hàm ý Đức Thánh Linh kém Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu. Thật ra, Đức Thánh Linh chính là Đức Chúa Trời vì: (1.) Đức Thánh Linh có những bản tính giống như Đức Chúa Trời: thánh khiết, toàn năng, toàn tri, toàn quyền và muôn đời hiện hữu (hằng hữu) (Xa-cha-ri 4:6; I Cô-rinh-tô 2:10,11). (2.) Đức Thánh Linh ngang hàng với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 28:19). (3.) Đức Thánh Linh cũng là Đấng Tạo Hóa, Ngài hiện hữu trước khi vũ trụ được tạo dựng và Ngài cùng với Đức Chúa Trời tạo dựng muôn vật (Sáng thế ký 1;2). (4.) Khi có Đức Thánh Linh ngự trị, thân thể người tin Chúa trở nên đền thờ của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 6:19-20; 3:16-17). (5.) Nói dối Đức Thánh Linh là nói dối Đức Chúa Trời (Công vụ 5:3-4).Khi nói, “Tôi tin Thánh Linh,” hàm ý chúng ta tin Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời và tin vào những việc Ngài làm cho chúng ta. Những việc đó là:Giúp chúng ta nhìn thấy tội lỗi (Giăng 16:8-9).Ngự trị trong lòng người tin Chúa (I Cô-rinh-tô 3:16; Rô-ma 8:24).Soi sáng và giúp chúng ta hiểu lời Kinh Thánh (Giăng 16:13).
Người tin Chúa luôn luôn có Đức Thánh Linh ngự trị trong lòng. Khi một người để Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc sống, đó là người đầy dẫy Đức Thánh Linh. Đời sống người đầy dẫy Đức Thánh Linh sẽ biểu lộ những mỹ đức: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, hòa nhã và tiết độ (Ga-la-ti 5:22).
“Tôi tin Thánh Linh” nghĩa là tôi tin Thánh Linh là Đức Chúa Trời, và tôi tin Ngài đang ngự trị trong lòng tôi để dạy bảo và hướng dẫn tôi sống làm rạng danh Chúa và hữu ích cho người chung quanh.
- Tôi tin Hội Thánh phổ thông – “Hội” là tập hợp của những người có cùng một sở thích, một mục đích hay một niềm tin. Hội Thánh là tập hợp của những người có cùng một niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tập hợp này được gọi là “thánh” vì người tin Chúa đã được biệt riêng cho Đức Chúa Trời qua cái chết hy sinh của Chúa Giê-xu. “Phổ thông” là từ ngữ dịch từ tiếng Hy- lạp katholikos có nghĩa là chung, tức là bao gồm tất cả mọi người, cho mọi người, không phân biệt một ai.Khi một người tin Chúa, người ấy được gia nhập Hội Thánh phổ thông, tức là Hội Thánh chung của Đức Chúa Trời, bất cứ người ấy sống ở đâu, thời đại nào và thuộc chủng tộc nào. Hội thánh phổ thông có những đặc điểm sau: (1.) Là Hội Thánh của Chúa, xây dựng trên một nền tảng vững chắc, không bao giờ thay đổi; nền tảng đó là Chúa Giê-xu (I Cô-rinh-tô 3:11). (2.) Mọi người trong Hội Thánh đều tin Chúa thật lòng và đã được Chúa Thánh Linh tái tạo thành một người mới (II Cô-rinh-tô 5:17). (3.) Dù bị chống đối, bách hại, Hội Thánh của Chúa sẽ tồn tại mãi (Ma-thi-ơ 16:18). (4.) Chỉ có một Hội Thánh duy nhất và đứng đầu Hội Thánh là Chúa Cứu Thế Giê-xu (Cô-lô-se 1:18; Ê-phê-sô 5:23).Khi nói “Tôi tin Hội Thánh phổ thông,” chúng ta xác nhận niềm tin rằng: người tin Chúa ở khắp mọi nơi, trong mọi thời đại được kết hợp thành một tập thể, dành riêng cho Chúa và do Chúa đứng đầu. Hội Thánh phổ thông là Hội Thánh duy nhất, chung cho tất cả những ai thật lòng tin nhận Chúa Giê-xu.
- Sự cảm thông của thánh đồ – “Thánh đồ” là người biệt riêng cho Chúa. Khi tin Chúa, chúng ta trở nên người của Chúa và dành riêng cho Chúa dùng, vì thế được gọi là thánh đồ. Từ ngữ “cảm thông” dịch từ chữ koinonia trong tiếng Hy-lạp, mô tả sự liên kết chặt chẽ giữa người với người. “Sự cảm thông của thánh đồ” là mối liên hệ bền chặt giữa những người tin Chúa với nhau. Mối liên hệ này bắt nguồn từ chính Chúa (I Giăng 1:3).Khi nói, “Tôi tin sự cảm thông của thánh đồ,” chúng ta bày tỏ niềm tin vào tình thân hữu, tình thương chân thành giữa người tin Chúa với nhau và niềm tin vào sự hợp nhất, tinh thần tương thân tương trợ cũng như tinh thần đoàn kết của người tin theo Chúa, trong mục đích hoàn thành sứ mạng quảng bá đạo Chúa cho người chưa tin.Khi nói: “Tôi tin Hội Thánh phổ thông, sự cảm thông của thánh đồ,” chúng ta không chỉ tuyên xưng niềm tin ấy bằng lời nói nhưng cũng sống sao cho xứng đáng với lời thánh bằng những hành động cụ thể như:Gia nhập Hội Thánh để tạo mối thông công với những người cùng niềm tin.Cộng tác với các tín hữu trong Hội Thánh để hoàn thành sứ mệnh truyền bá Đạo.Không để những khác biệt nhỏ nhặt giữa các giáo phái gây chia rẽ trong Hội Thánh.Tránh xa những giáo hội không dạy và không thực hành đúng lời Thánh Kinh.
- Sự tha tội – Khi tin Chúa, tất cả tội lỗi của chúng ta đều được Chúa tha thứ. Sự bình an trong tâm hồn là bằng chứng rõ ràng nhất của sự tha thứ đó. Thánh Kinh dạy: “Anh em phải hối cải, mọi người phải nhân danh Chúa Giê-xu chịu báp-têm để được tha tội.” (Công vụ 2:38). Sau khi tin Chúa, nếu chúng ta lầm lỡ phạm tội, Chúa sẽ tha thứ nếu chúng ta xưng tội với Ngài và quyết tâm ăn năn hối cải (I Giăng 1:9). Tuy nhiên, ta không thể dựa vào lòng nhân từ của Chúa để cứ tiếp tục phạm tội và cũng nhớ rằng có những tội dù đã được tha thứ nhưng hậu quả đau đớn ta vẫn phải chấp nhận. Thật ra, người đã thật sự tin Chúa không bao giờ tiếp tục sống trong tội lỗi nữa (I Giăng 3:6,9).”Tôi tin… sự tha tội” nghĩa là tôi tin Chúa đã tha thứ và đã quên tất cả tội ác của tôi khi tôi ăn năn và công nhận rằng Chúa đã chịu chết vì tội của tôi. Tôi cũng tin rằng mỗi khi lầm lỡ phạm tội nếu tôi xưng tội với Chúa, Ngài sẽ tha thứ cho tôi. Tôi xưng tội trực tiếp với Chúa chứ không phải nhờ một người nào làm trung gian.
- Sự sống lại của thân thể – Thánh Kinh dạy rằng, trong ngày cuối cùng, lúc Chúa Giê-xu trở lại trần gian, những người đã chết sẽ sống lại, trong một thân thể toàn hảo và thiêng liêng, không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian (Giăng 5:28; Khải huyền 22:13; I Cô-rinh-tô 15:52,53). Người không tin Chúa sẽ sống lại để chịu xét đoán (Giăng 5:29).
- Sự sống đời đời – Chúa Giê-xu tuyên bố rằng ai tin Ngài sẽ được cứu và được sự sống đời đời (Giăng 3:16). Sống đời đời hay sống vĩnh viễn là được ở trên thiên đàng, được sống bên cạnh Chúa mãi mãi, không bao giờ bị bệnh tật, đau đớn cũng không bị chết nữa (Khải huyền 21:3-4). Thánh Kinh cũng cho biết khi người tin Chúa qua đời, linh hồn người ấy được đón về với Chúa ngay giờ phút người ấy trút hơi thở cuối cùng (II Cô-rinh-tô 5:6-8; Phi-líp 1:23). Trong ngày cuối cùng, khi Chúa Giê-xu trở lại trần gian, người tin Chúa sẽ được sống lại, trong một thân thể thiêng liêng bất diệt, giống như thân thể phục sinh của Chúa Cứu Thế (I Giăng 3:2). Với thân thể thiêng liêng đó, chúng ta sẽ được sống bên cạnh Chúa mãi mãi, để cùng cai trị trần gian và cùng hưởng vinh quang với Ngài (II Ti-mô-thê 2:11,12; Khải huyền 5:9,10). Sự sống đời đời cũng chỉ về một cuộc sống có ý nghĩa ngay trên đời nầy vì chúng ta tin nhận Chúa (Giăng 10:10).
Khi nói, “Tôi tin sự tha tội, sự sống lại của thân thể và sự sống đời đời,” chúng ta nói lên niềm tin vào Chúa Giê-xu, tin rằng Chúa đã chết để chúng ta được tha tội và Ngài đã sống lại để chúng ta được sống lại và được sống mãi mãi bên cạnh Ngài.